Chính vì thế mà một trong số các nguyên tắc quan trọng nhất được nêu ra cho phát triển bền vững là: Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ trong tương lai.
Trong mấy năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế thường được nhắc đến nhiều nhất, như một mỹ từ. Nhưng lạm phát ngày càng tăng cao, bất ổn kinh tế vĩ mô, các khoản đầu tư công vô cùng lớn nhưng hiệu quả kém, cái gì cũng thâm hụt… Không ít công trình hạ tầng đô thị sau khi hoàn thành, con số quyết toán đã gấp đôi. Con số chênh lệch này được quy vào tăng trưởng, đó là tăng trưởng bẩn, vì nó đi cùng với tham nhũng, với những khoản chi tiêu không xác đáng. Thế nên, người ta đang lo ngại rằng, thế hệ sắp tới sẽ phải chịu gánh nợ nần, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên mà thế hệ hôm nay đang gây ra. Chúng ta không thể tăng trưởng bằng vay nợ và khai thác tài nguyên.
Một thành phố giàu có, đầy ắp hàng hóa, đầy đủ tiện nghi nhưng con người sống trong nó luôn cảm thấy bất an, tính mạng bị đe dọa, rủi ro cao, cuộc sống bấp bênh thì đó không thể gọi là thành phố phát triển bền vững dưới bất kỳ khía cạnh nào. Thành phố bền vững phải có trật tự kỷ cương xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao. Nhưng bây giờ, nhìn trong sự vận động quay cuồng của các đô thị lớn, sẽ thấy những mối nguy tiềm ẩn, ngay sát mình. Ngay chính mỗi người cũng đang bị ô nhiễm nặng nề, trở nên chai sạn, thậm chí là vô cảm, đó là nguy cơ, là hiểm họa… Không đâu xa, những cư dân đô thị là đối tượng dễ bị “nhiễm bẩn” nhất. Bởi vậy, để chuẩn bị đường dài cho sự thay đổi, chúng ta phải làm một cuộc cách mạng trong ý thức người dân, tạo thành những khối thống nhất. Nếu ý thức người dân còn mù mịt, thì lãnh đạo cũng bất lực.
Nhưng, mọi lời kêu gọi, mọi kiến nghị nếu không xuất phát từ mục tiêu chung mà chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích các nhân, cục bộ, tất sẽ không thể giải quyết được những mẫu thuẫn giữa lợi ích riêng và quyền lợi chung.
Bộ Tài Nguyên(Ngọc Lý)
Ý kiến bạn đọc