Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố phía Nam

Thứ hai - 15/07/2019 15:00 889 0

Thực hiện Chương trình công tác năm 2019, ngày 12/7, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Phạm Viết Thanh và các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được; thảo luận, bàn các giải pháp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, khó khăn, rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của vùng; xác định những vấn đề lớn trong hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, môi trường và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung ưu tiên của Ngành trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và các năm tiếp theo.

Chủ trì và điều hành Hội nghị có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Phạm Viết Thanh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh và các Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nguyễn Thị Phương Hoa; Trần Quý Kiên; Lê Công Thành.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh; Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND Bình Dương; Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục trưởng các Chi cục: Quản lý đất đai, Môi trường, Biển và Hải đảo của 31 tỉnh , thành phố khu vực phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của Hội nghị trong bối cảnh toàn ngành đang chuẩn bị các văn kiện, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 phục vụ Đại hội các cấp; chuẩn bị triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và tập trung hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước và từng địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng ghi nhận những thành tựu, những khó khăn đã vượt qua của Ngành kể từ đầu nhiệm kỳ, trải qua chặng đường 3 năm 6 tháng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, bằng các giải pháp tổng thể, với cách tiếp cận mới, tư duy mới và triết lý phát triển mới, ngành tài nguyên môi trường đã từng bước “chuyển từ bị sang chủ động” giải quyết các thách thức rất lớn đối với phát triển của đất nước như biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long; sạt lở, hạn hán ở Nam Trung, Bộ và Tây nguyên; ô nhiễm môi trường biển do tác động tích luỹ từ nhiều năm.

“Với vai trò quản lý các tài nguyên, nguồn lực, môi trường các yếu tố đầu vào và đầu ra của các hoạt động kinh tế, xã hội, ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều đóng góp quan trọng trực tiếp và gián tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta càng vui mừng hơn là mặc dù trong bối cảnh nền cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chậm, thương mại toàn cầu suy giảm, diễn biến khó lường tác động làm khó khăn cho nền kinh tế có độ mở rất lớn của Việt Nam nhưng qua từng năm, chúng ta đều có bước tiến thông qua các chỉ tiêu cụ thể và qua đánh giá của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức độc lập. “ – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã điểm ra những kết quả nhất định trong các lĩnh vực quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân, điển hình là Quỹ đất từng bước được khai thác hiệu quả; tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch treo, dự án treo ở các đô thị, lãng phí trong sử dụng quỹ đất của các nông, lâm trường được tập trung giải quyết; thu tiền sử dụng đất tăng đều qua các năm, trong 6 tháng đầu năm đã đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, chiếm chiếm 9,5% thu ngân sách nội địa; thu tiền từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước lũy kế đến nay đạt 9 nghìn tỷ đồng tăng 2 nghìn tỷ so với năm 2018; thu từ khai thác khoáng sản đạt khoảng 4 nghìn tỷ; thu ngân sách của Bộ đạt 106 % so với kế hoạch giao,…

Công tác thanh tra, kiểm tra đã mang lại hiệu quả; góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Qua hoạt động giám sát tối cao về tình hình quản lý đất đai ở đô thị tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác quy hoạch, quản lý đất đai tại các đô thị góp phần thay đổi diện mạo đô thị, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển.

Vấn đề môi trường đã có chuyển biến từ phương thức, tư duy quản lý; nhiều dự án công nghiệp lớn đã được kiểm soát, bảo vệ môi trường để hoạt động tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Đã triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến quốc tế và trong nước nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, bước đầu tạo được sự chung tay của toàn xã hội. Thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực môi trường đã được đơn giản hóa (25 TTHC), rút ngắn thời gian 15-25.

 

Toàn cảnh Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố phía Nam năm 2019

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra tiềm năng, lợi thế về biển tiếp tục được phát huy; các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục là động lực cho phát triển, điển hình như tỉnh Trà Vinh tăng 43,13% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An,…. cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được tích cực triển khai.

Công tác dự báo khi tượng thủy văn đã tiệm cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, thế giới; gia tăng thời hạn dự báo trước các loại hình thiên tai với với độ chính xác, giảm thiệt hại về người và vật chất do thiên tai qua từng năm.

Qua lăng kính đánh giá của các tổ chức độc lập quốc tế, nhân dân, doanh nghiệp, ngành tài nguyên và môi trường đã có bước chuyển biến qua từng năm. Cụ thể: Theo khảo sát PAPI, tỷ lệ người dân phản ánh phải bôi trơn khi làm thủ tục sổ đỏ giảm 29% so với năm 2015; chỉ số công khai minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tăng đều qua các năm (từ 1.72 lên 1,79 điểm), chỉ số hài lòng đối với trường hợp bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp đạt 68%; chỉ số tiếp cận đất đai tăng 0,27 điểm; trong đó các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đứng đầu cả nước với 7,11 điểm. Các chỉ đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS) đối với 2 dịch vụ công về đất đai và môi trường tăng đều qua 3 năm, trong đó chỉ số đánh giá về tiếp cận dịch vụ công tăng từ 73,7 năm 2016 lên 80,03 điểm năm 2018; chỉ số đánh giá về quy định về TTHC từ 73,5 lên 84,53 điểm…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Các chỉ số đánh giá trong hơn 3 năm qua cho thấy toàn ngành đã cùng nhau tạo bước chuyển quan trọng; từ bị động giải quyết các tồn tại sang chủ động triển khai các giải pháp có tính hệ thống chuẩn bị động lực cho phát triển trước mắt và giai đoạn mới. Đây là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ với Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND, các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng công tác quản lý tài nguyên và môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và những thách thức to lớn cần phải vượt qua. Từ thực tiễn tình hình địa phương cơ sở, Bộ đã nắm được các khó khăn, thông qua báo cáo, các diễn đàn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, hoàn thiện các chính sách Bộ đã chủ động để xuất tháo gỡ các vấn đề.

Tại Hội nghị giao ban công tác quản lý tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn trực tiếp lắng nghe phản ánh các vướng mắc và cùng các đồng chí thảo luận, trao đổi, giải đáp, tháo gỡ để khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển. Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường nhân Hội nghị này có thể trao đổi, đề xuất với các địa phương khác trong giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh; báo cáo về các giải pháp, sáng kiến, mô hình, cách làm hay, hiệu quả để trên cơ sở đó các địa phương tham khảo nhân rộng, hoàn thiện chính sách. Trong đó là cùng nhau thảo luận các chủ trương, cơ chế, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo được các đột phá có tính cách mạng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, chuyển hoá thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội cho phát triển, trên có sở đó bổ sung vào tài liệu, văn kiện, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để tổ chức triển khai trong toàn hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng 2 dự án Luật hết sức quan trọng là Luật sửa đổi một số điều của Luật Đất đai, và Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ trưởng mong muốn các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban, Lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường từ thực tiễn thi hành Luật có những ý kiến tham gia về những định hướng lớn cần phải sửa đổi bổ sung trong 2 Luật này.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đại biểu chia sẻ về sự tương tác trao đổi giữa các Sở Tài nguyên và Môi trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian vừa qua, có gì vướng mắc và thẳng thắn đề xuất với Lãnh đạo Bộ về các phương án, sáng kiến trao đổi thông tin hai chiều để nội dung công việc được thông suốt, giải quyết được nhanh chóng.

"Hội nghị ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; các điểm nghẽn, rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của vùng. Hội nghị sẽ là cơ sở để ngành tài nguyên và môi trường cùng nhau phát triển, cùng đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường trong thời gian tới của các địa phương.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại Hội nghị

Về phía tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức Hội ngị, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường. Điển hình công tác quản lý nhà nước về đất đai đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ cao; cĩnh vực bảo vệ môi trường đã xử lý xong các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; công tác quy hoạch, quản lý khoáng sản đi vào nền nếp,…

Có được kết quả đó, đặc biệt là những kết quả ấn tượng của ngành tài nguyên và môi trường, đồng chí Trần Văn Chiến cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cho Tây Ninh trong thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như: Đề án cơ sở dữ liệu đất đai, đầu tư hệ thống Quan trắc môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra rà soát giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến đất đai tồn đọng do lịch sử để lại, công tác cải cách thủ tục hành chính. Quan tâm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thống kê đất đai… đã góp phần cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, quản lý đất đai ngày càng đi vào nền nếp, sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn; kiểm soát, phòng ngừa các sự cố, điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo.

Bên cạnh đó, đồng chí Trần Văn Chiến cũng cho rằng ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh Tây Ninh vẫn còn những khó khăn, thách thức, trước sự đổi mới, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội; và việc tổ chức Hội nghị là rất thiết thực, là dịp để các địa phương gặp gỡ, thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các điểm nghẽn, rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của vùng; học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng nhau phát triển.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Theo chương trình Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ được báo cáo, thông tin chi tiết về công tác quản lý tài nguyên và môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo của Ngành; các định hướng lớn trong sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; nghe phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật Đo đạc và Bản đồ, các văn bản hướng dẫn thi hành; tình hình thực hiện hệ thống tương tác giữa Bộ với các Sở Tài nguyên và Môi trường; công tác kết nối liên thông trong xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ quản lý, điều hành của Ngành và ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành trong tình hình mới. Đại diện Lãnh đạo các địa phương sẽ thảo luận, chia sẻ, đóng góp các ý kiến thực tiễn từ cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương cùng nhau tháo gỡ, giải quyết.

Khương Trung – Nguyễn Quỳnh

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây