Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành Quý I năm 2018 thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thứ sáu - 30/03/2018 17:00 1.047 0
Trong quý I năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 06 văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 01 Thông tư.

1.Quyết định số 02/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai

Ngày 17 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 3 năm 2018. Quyết định này thay thế Quyết định số 21/2014/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về sự cần thiết, mục đích ban hành Quyết định: Thứ nhất, các nội dung về kiểm tra việc bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về định giá đất; quy định về điều chỉnh bảng giá đất, xây dựng tổng hợp cung cấp dữ liệu, thông tin về khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể; quy định về thống kê, kiểm kê đất đai; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai,.... đã được quy định tại Khoản 3, Điều 77 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Điều 18, Điều 22, Điều 34, Điều 114,...của Luật đất đai năm 2013. Do đó, cần có văn bản quy định giao chức năng, nhiệm vụ cho đơn vị (Tổng cục Quản lý đất đai), cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai.

Thứ hai, trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có sự thay đổi, bổ sung về tổ chức, nhiệm vụ. Do vậy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các nhiệm vụ mới.

Thứ ba, xuất phát từ thực tiễn tổ chức, chỉ đạo thực hiện, qua rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai từ khi được thành lập đến nay cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế như nêu trên, cần được tiếp tục kiện toàn để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Quyết định gồm: 06 Điều, quy định chủ yếu về vị trí và chức năng; nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai.

2. Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn
Ngày 23 tháng 01 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 3 năm 2018. Quyết định này thay thế Quyết định số 77/2013/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về sự cần thiết, mục đích ban hành Quyết định: Thứ nhất, tại Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng Thủy văn là đơn vị mới được thành lập trên cơ sở tổ chức lại, chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và tiếp nhận bộ phận quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn tại Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu;

Thứ hai, để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn đi vào hoạt động, phục vụ công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn và công tác phòng, chống thiên tai phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn là hết sức cần thiết, tạo nên hành lang pháp lý quan trọng giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Quyết định gồm: 06 Điều, quy định chủ yếu về vị trí và chức năng; nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

3. Quyết định số 06/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Quyết định số 06/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2018, của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 3 năm 2018. Quyết định này thay thế Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sự cần thiết, mục đích ban hành Quyết định: Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó, các nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực quản lý tổng hợp về biển và hải đảo được chỉnh sửa, bổ sung quy định một cách bao quát, tập trung vào công tác xây dựng cơ chế, chính sách; điều tra cơ bản tài nguyên biển, nghiên cứu khoa học biển và đại dương; quy hoạch phân vùng lãnh thổ biển và hải đảo làm cơ sở cho việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền quốc gia; các vấn đề về quản lý, khai thác biển và hải đảo liên ngành, liên tỉnh.

Thời gian qua, nhiều quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Tổng cục đã được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới, khu vực và thực tiễn trong công tác quản lý điều hành, hội nhập quốc tế của nước ta, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung và tài nguyên môi trường biển và hải đảo nói riêng cần phải tiếp tục được đổi mới, tăng cường và hoàn thiện.

Quyết định gồm: 05 Điều, quy định chủ yếu về vị trí và chức năng; nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

4. Quyết định số 14/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp cấp phép, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

Quyết định số 14/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp cấp phép, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.

Về sự cần thiết, mục đích ban hành Quyết định: Ngày 21 tháng 6 năm 2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật biển Việt Nam. Tại khoản 1 Điều 36 của Luật quy định “Tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, chịu sự giám sát của phía Việt Nam, bảo đảm cho các nhà khoa học Việt Nam được tham gia và phải cung cấp cho phía Việt Nam các tài liệu, mẫu vật gốc và các kết quả nghiên cứu liên quan”. Ngày 25 tháng 6 năm 2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tại khoản 3 Điều 17 của Luật này quy định “Hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam”.

Ngày 15 tháng 5 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam, thay thế Nghị định số 242/HĐBT ngày 05 tháng 8 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng. Nghị định số 41/2016/NĐ-CP ban hành đã giải quyết được những hạn chế, bất cập của các quy định cũ không còn phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển của các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam.

Mặc dù, Nghị định 41/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể các nội dung liên quan tới việc cấp phép, tuy nhiên, thực tiễn công tác cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam trong thời gian qua cho thấy sự phối hợp trong công tác thẩm định cấp phép và kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam vẫn còn chưa đồng bộ, mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng được tính kịp thời, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế trên biển. Hạn chế nêu trên do một số nguyên nhân như:

-Việc cấp phép liên quan tới việc lấy ý kiến thẩm định của nhiều bộ, ngành nên mất nhiều thời gian trao đổi công văn đi lại; thậm chí một số việc đóng dấu mật nên rất khó trao đổi trực tiếp bằng điện thoại, email và không rõ đầu mối liên lạc.

-Việc nghiên cứu, khảo sát trên biển phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết và thường diễn ra trong thời gian ngắn (thời gian nghiên cứu dưới 3 tháng) do vậy, việc thay đổi lịch trình, thời gian nghiên cứu là việc khó tránh khỏi trong quá trình khảo sát. Vì vậy, cần có các cơ chế đế việc ra quyết định cho việc đồng ý hay không đồng ý được nhanh chóng, phù hợp với thực tế nghiên cứu, khảo sát trên biển.

-Việc cấp phép nghiên cứu khoa học có yếu tố nước ngoài trong một số thời điểm liên quan trực tiếp đến vấn đề ngoại giao, cần có sự phối hợp chặt chẽ để cấp phép kịp thời.

-Một số vấn đề liên quan tới kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghiên cứu trên biển còn một số bất cập như: chưa có kênh thông tin liên lạc để kết nối giữa các bộ, ngành trong việc thông báo về tình hình nghiên cứu, khảo sát của các tổ chức, cá nhân trên biển nhằm kịp thời điều chỉnh hoạt động nếu phát hiện sai phạm.

Các khó khăn trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc cấp phép, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam. Do đó, cần phải có sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ trong quá trình: lấy ý kiến cấp phép; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân tiến hành trong vùng biển Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.

Quyết định gồm 3 Điều, ban hành kèm theo Quyết định là Quy chế. Quy chế gồm 3 Chương, 10 Điều:

-Chương 1. Quy định chung gồm 04 Điều quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng; nguyên tắc phối hợp; các nội dung phối hợp cụ thể và phương thức phối hợp.

-Chương 2. Những quy định cụ thể gồm 04 Điều quy định về Phối hợp lấy ý kiến hồ sơ cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn quyết định cấp phép; Phối hợp xử lý đối với đề nghị thay đổi nội dung đã được cấp phép nhưng không thuộc trường hợp sửa đổi, bổ sung, gia hạn quyết định cấp phép; Phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong quá trình nghiên cứu khoa học và trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin về tình hình nghiên cứu, khảo sát của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam.

-Chương 3. Điều khoản thi hành gồm 02 Điều quy định về trách nhiệm thi hành và tổ chức thực hiện.

Quyết định này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Khoa học và Công nghệ trong việc cấp phép, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Nội dung phối hợp bao gồm: lấy ý kiến hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn quyết định cấp phép hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam; xử lý đối với đề nghị thay đổi nội dung đã được cấp phép nhưng không thuộc trường hợp sửa đổi, bổ sung, gia hạn quyết định cấp phép; Kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong quá trình nghiên cứu khoa học của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam; trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin về tình hình nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam thông qua các hình thức như: gửi công văn và thư điện tử, tổ chức họp trao đổi, lấy ý kiến, trao đổi, phối hợp qua điện thoại hoặc qua fax và quan trọng là thiết lập bộ phận đầu mối giữa các Bộ để phục vụ việc trao đổi, liên lạc khi tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam.

5. Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường

Quyết định số 15/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2018. Quyết định này thay thế Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sự cần thiết, mục đích ban hành Quyết định: Kể từ khi ban hành Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg, một số văn bản quy phạm pháp luật về môi trường đã được ban hành như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các Nghị định điều chỉnh các hoạt động chuyên ngành về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện nhiều nhiệm vụ mới. Những nhiệm vụ này đã trở thành những nhiệm vụ thường xuyên, cần được quy định cụ thể trong Quyết định thay thế Quyết định 25/2014/QĐ-TTg. Đồng thời cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường hiện nay đã bao quát hầu hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn chưa hợp lý, có nhiều tổ chức trung gian cấp phòng và chưa đáp ứng yêu cầu tinh gọn, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là lực lượng công chức và bộ máy tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, quản lý tại vùng lãnh thổ còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm cũng như kịp thời theo dõi, hướng dẫn và giải quyết các nhiệm vụ cụ thể; một số nhiệm vụ mới được giao cho Tổng cục nhưng chưa có tổ chức, nhân lực đầu mối thực hiện; công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra hoạt động trong tổ chức chưa phù hợp nên chưa đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ.

Trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 36/2017/NĐ-CP), theo đó, một số chức năng, nhiệm vụ đã được phân định rõ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với một số bộ, ngành như về: Quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm, đánh giá tác động môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược phát triển công nghệ môi trường và dịch vụ môi trường,... Do vậy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các nhiệm vụ mới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các quy định mới; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, qua rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường từ khi được thành lập cho đến nay, việc sửa đổi Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg là cần thiết và cấp bách; cần được tiếp tục kiện toàn để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Quyết định gồm: 05 Điều, quy định chủ yếu về vị trí và chức năng; nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường.

6. Thông tư số 01/2018/TT-BTNMT ban hành Quy định định mức kinh tế kỹ thuật hệ thống quan trắc sóng và dòng chảy bề mặt biển bằng rada

Thông tư số 01/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 07 tháng 02 năm 2018 ban hành Quy định định mức kinh tế kỹ thuật hệ thống quan trắc sóng và dòng chảy bề mặt biển bằng rada. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 3 năm 2018.

Về sự cần thiết, mục đích ban hành Thông tư: Ngày 12 tháng 01 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó, mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường biển đến năm 2030 sẽ có 25 trạm radar biển. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và vận hành được 03 trạm radar biển tại Hòn Dấu (Hải Phòng), Đồng Hới (Quảng Bình) và Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và 01 trạm thu tại Trung tâm Hải văn thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Hà Nội).

Hệ thống Rada biển tần số cao (HF) đang hoạt động có tầm quan trắc rộng để đo đạc và kiểm soát dòng chảy biển, sóng biển và bao gồm phần mềm ở dạng mở để cài đặt các mô hình dự báo: các thông số môi trường biển trong điều kiện thời gian thực (Real time), có khả năng phân tích và tính toán quỹ đạo vật thể trôi trên biển, theo dõi vết dầu tràn trên bề mặt biển, phân tích khả năng tập trung đàn cá phục vụ đánh bắt hải sản; tính toán và phân tích thuỷ triều, phát hiện và cảnh báo sớm sóng thần... Đây là một mạng lưới điều tra cơ bản về biển bằng công nghệ radar biển hoàn toàn mới và hiện đại ở Việt Nam, hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động của hệ thống radar biển như vận hành, sử dụng thiết bị, công tác duy tu và bảo dưỡng, thu thập và xử lý số liệu thu được từ radar biển cũng như định mức kinh tế - kỹ thuật cho hệ thống mạng lưới quan trắc này.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để quản lý, khai thác, vận hành hệ thống trạm radar biển hiện nay và trong thời gian sắp tới tại Việt Nam, trong Chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 12/QĐ-BTNMT ngày 06 tháng 01 năm 2017 và Quyết định số 884/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 4 năm 2017, Bộ đã giao cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng và trình ban hành “Thông tư ban hành quy định kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật hệ thống trạm quan trắc sóng và dòng chảy bề mặt biển bằng radar”.

Định mức kinh tế - kỹ thuật sẽ là cơ sở pháp lý cho việc lập kế hoạch và dự toán chi phí thường xuyên cho các trạm khi đi vào hoạt động, nhằm duy trì sự hoạt động ổn định, lâu dài và phát huy hiệu quả của hệ thống radar mang lại. Định mức kinh tế-kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở quy định kỹ thuật, bao gồm định biên, định mức công lao động, định mức thiết bị, dụng cụ và vật tư, công tác bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa nhỏ của thiết bị radar và các thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của radar áp dụng riêng cho từng loại trạm quan trắc.

Thông tư gồm 4 Điều, ban hành kèm theo Thông tư là Định mức kinh tế - kỹ thuật gồm: 02 Chương, 7 Điều.

Quy định chủ yếu của Thông tư:

-Chương I. Quy định chung (05 Điều), từ Điều 1 đến Điều 5, quy định: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ sở xây dựng định mức, quy định các chữ viết tắt và nội dung định mức.

-Chương II. Định mức kinh tế - kỹ thuật (02 Điều), quy định: nội dung công việc và định mức.

Theo CTTĐT (monre.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây