Tây Ninh: Chủ động ứng phó với sự cố chất thải

Thứ năm - 29/02/2024 14:30 332 0
Để chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố phát sinh do chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kịp thời phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc ứng phó sự cố chất thải, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa thống nhất thông qua Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của các sự cố môi trường đến con người, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chú thích ảnh
Khu vực sản xuất gạch không nung từ xỉ than thải ra trong công đoạn đốt rác tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường xanh Huê Phương VN (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) có công suất 300 tấn rác/ngày (gồm xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 200 tấn/ngày và rác nguy hại công suất 100 tấn/ngày). Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, qua rà soát, địa bàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp, khu chế xuất; 18 cơ sở dệt nhuộm; 7 cơ sở gia công, sản xuất da giày; 4 cơ sở sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; 3 cơ sở sản xuất pin, ắc quy chì, 65 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 22 nhà máy chế biến cao su, 2 nhà máy chế biến đường, 1 nhà máy sản xuất xi măng, 4 nhà máy luyện cán kéo thép; 4 nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại; 2 nhà máy sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; có 52/696 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã giao cho 19 Sở, Ban ngành, địa phương tổ chức huy động lực lượng thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả khi có sự cố về chất thải; hướng dẫn, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải và bảo vệ môi trường; điều động lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các đơn vị có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.

Cụ thể, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh là cơ quan chỉ huy về công tác ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh. Chủ trì việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố chất thải theo kế hoạch của tỉnh, tham mưu đề xuất về phương án ứng phó, sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải có hiệu quả. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố chất thải gây ra.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu công tác quản lý nhà nước về ứng phó sự cố chất thải; ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 theo quy định; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố môi trường để chủ động phòng tránh, ứng phó. Công an tỉnh tham mưu về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh...

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng các kịch bản ứng phó chặt chẽ, phối hợp với các lực lượng để tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải. Theo đó, sẽ đưa ra các tình huống vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và “ba sẵn sàng” chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.

Chú thích ảnh
Khu vực rác thải sinh hoạt được phân loại để sản xuất phân hữu cơ tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường xanh Huê Phương VN. Ảnh: Thanh Tân/ TTXVN

Về số lượng trang, thiết bị ứng phó sự cố chất thải, Tây Ninh hiện có 31 xe chỉ huy, 3 máy ảnh, 9 máy định vị, 15 hệ thống truyền hình hội nghị; Phương tiện vận tải đường bộ có 3 xe ô tô 40 chỗ, 20 xe ô tô chở người dưới 16 chỗ, 27 xe ô tô tải, 22 xe ô tô bán tải, 1 xe đào đất, 1 xe đầu kéo, 1 xe ủi; 17 xe chữa cháy, 9 xe bồn tiếp nước, 2 xe bơm; 2 xe cứu nạn, cứu hộ; 1 xe thang, 17 máy bơm chữa cháy, 50 bộ mặt nạ phòng độc cách ly, 12 máy cắt bê tông, 3 thiết bị phá vỡ thủy lực.

Trang thiết bị, phương tiện trên sông có 1 xuồng  ST 750, 3 chiếc xuồng  ST 660, 7 xuồng ST 450, 5 xuồng đệm khí, 24 xuồng máy các loại, 2 xuồng nhôm, 13 xuồng loại khác, 30 cano các loại, 11 rơ móc kéo cano, 6.455 phao cứu sinh, 29 phao bè cứu sinh, 5.745 phao tròn cứu sinh, 70 đèn pin, 37 loa phóng thanh cầm tay loại lớn, 8 ống nhòm, 3 ống nhòm nhìn đêm, 585 cuốc, 270 xẻng; 500 bộ đàm, 1 hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh, 1 xe thông tin liên lạc; 1.190 mặt nạ phòng, chống hóa chất, độc xạ.

Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố chất thải nghiêm trọng. Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh luôn rà soát, kiện toàn bộ máy, lực lượng ứng phó các sự cố, đầu tư trang, thiết bị nhằm kịp thời ứng phó các sự cố về thiên tai, lũ lụt, cháy, nổ... trên địa bàn. Nhìn chung, khả năng ứng phó của tỉnh đến thời điểm hiện tại đạt yêu cầu.

Tác giả: MT

Nguồn tin: baotintuc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây