Kế hoạch Giám sát, quan trắc chất lượng nước mặt của hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh

Thứ sáu - 03/02/2023 08:42 614 0
Kế hoạch Giám sát, quan trắc chất lượng nước mặt của hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh

Căn cứ Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về bảo vệ môi trường nước mặt;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh 2023;

Căn cứ Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh;

Căn cứ Kế hoạch số 3944/KH-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023 – 2025 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; 

Căn cứ Quyết định số 8512/QĐ-UBND ngày 16/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2023;

Căn cứ Kế hoạch số 7540/KH-STNMT ngày 08/11/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh;

Căn cứ Kế hoạch số 8806/KH-STNMT ngày 28/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh mùa khô năm 2023;         

Nhằm tiếp tục theo dõi chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng, để có biện pháp xử lý kịp thời khi chất lượng nước trong hồ Dầu Tiếng khi có dấu hiệu ô nhiễm, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch giám sát, quan trắc chất lượng nước mặt trong hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh như sau:

I. Mục đích – Yêu cầu:

1. Mục đích:

- Bảo vệ môi trường nguồn nước hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản làm suy thoái chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.

- Góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về môi trường, khai thác khoáng sản vào trật tự, kỷ cương và phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

2. Yêu cầu:

Thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm và phải toàn diện theo định hướng của Kế hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh theo nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường hồ Dầu Tiếng, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đề ra giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, khả thi để thực hiện các mục đích đã đề ra.

II. Nội dung:

- Theo dõi chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng, để có biện pháp xử lý kịp thời khi chất lượng nước có dấu hiệu ô nhiễm.

 - Tiến hành lấy mẫu tại 4 vị trí: cửa xả ra kênh Tân Hưng; cửa xả ra kênh Tây; cửa xả ra kênh Đông, cửa xả tràn đập chính hồ Dầu Tiếng.

- Tần suất quan trắc: 07 ngày/lần, kể từ tháng 03 năm 2023 đến hết tháng 06 năm 2023.

- Các thông số phân tích: pH, Oxy hòa tan (DO), Độ dẫn (EC), độ đục NTU, Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), COD, BOD5, nhiệt độ.

- Kinh phí thực hiện: Dự kiến 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng), từ nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 (phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra).

III. Tổ chức thực hiện:

          1. Phòng Bảo vệ môi trường

- Chủ trì, phối hợp giám sát việc thực hiện quan trắc nước mặt hồ Dầu Tiếng.

- Tổng hợp số liệu, báo cáo Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Tăng cường công tác giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải vào hồ Dầu Tiếng.

- Khi phát hiện chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng có chuyển biến ô nhiễm, đề xuất Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo phương hướng, xử lý các nguồn thải xả vào hồ Dầu Tiếng gây ô nhiễm nguồn nước.

2. Phòng Quản lý Tài nguyên nước và Khoáng sản

- Phối hợp giám sát việc thực hiện quan trắc nước mặt tại hồ Dầu Tiếng.

- Tăng cường công tác giám sát, cung cấp các thông tin có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng.

- Khi phát hiện chất lượng nước mặt hồ Dầu Tiếng có chuyển biến ô nhiễm, đề xuất Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo phương hướng, giải quyết, xử lý các hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng gây ô nhiễm nguồn nước.

 3. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường

- Thực hiện việc quan trắc chất lượng nước mặt tại 04 vị trí nêu trên theo đúng tần suất là 7 ngày/lần.

- Sau khi có kết quả quan trắc, báo cáo số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường (thông qua Phòng Bảo vệ môi trường, Phòng Quản lý tài nguyên nước và Khoáng sản)  để có phương hướng xử lý kịp thời.

- Định kỳ 01 tháng/lần và 03 tháng sau khi kết thúc quan trắc báo cáo tổng hợp kết quả quan trắc, cập nhật số liệu tại các trạm quan trắc tự động, liên tục nước mặt (trong đó có kết quả so sánh cùng kỳ năm 2019, 2020, 2021 và 2022).

4. Phòng Kế hoạch - Tài chính

- Hướng dẫn, phân bổ kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023.

5. Văn phòng Đăng ký đất đai Tỉnh

- Đăng tải Kế hoạch và các thông tin có liên quan trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.

6. Văn phòng Sở

- Sắp xếp, bố trí xe của Sở đi công tác khi có yêu cầu, thông báo Kế hoạch này đến các Phòng, Trung tâm, Đơn vị trực thuộc Sở biết, thực hiện.

          Trên đây Kế hoạch giám sát, quan trắc chất lượng nước mặt của hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường, thông qua Phòng Bảo vệ môi trường để tổng hợp, đề xuất./.

Tác giả: MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây