Công văn triển khai thực hiện một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Thứ sáu - 05/05/2023 08:08 1.385 0
Công văn triển khai thực hiện một số quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Các Cơ sở, sản xuất kinh doanh, dịch vụ (gọi tắc là Cơ sở), Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, cụ thể như sau:

I. Đối với các Các Cơ sở, sản xuất kinh doanh, dịch vụ:

 1. Về giấy phép môi trường:

Các Cơ sở thuộc đối tượng phải lập giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường nhanh chóng thực hiện lập hồ sơ báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường trình cơ quan chức năng có thẩm quyền để được cấp giấy phép đúng thời điểm được quy định tại Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:

“2. Thời điểm cấp giấy phép môi trường được quy định như sau:

a) Dự án đầu tư thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

b) Dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 36 của Luật này. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng không thuộc đối tượng được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về xây dựng thì phải có giấy phép môi trường trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng;

c) Đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đang vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chủ dự án đầu tư được lựa chọn tiếp tục vận hành thử nghiệm để được cấp giấy phép môi trường sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải hoặc lập hồ sơ để được cấp giấy phép môi trường trước khi hết thời hạn vận hành thử nghiệm. Chủ dự án đầu tư không phải vận hành thử nghiệm lại công trình xử lý chất thải nhưng kết quả hoàn thành việc vận hành thử nghiệm phải được báo cáo, đánh giá theo quy định tại Điều 46 của Luật này;

d) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (sau đây gọi chung là giấy phép môi trường thành phần). Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.

3. Trường hợp dự án đầu tư hoặc Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được thực hiện theo nhiều giai đoạn, có nhiều công trình, hạng mục công trình thì giấy phép môi trường có thể cấp cho từng giai đoạn, công trình, hạng mục công trình có phát sinh chất thải. Giấy phép môi trường được cấp sau sẽ tích hợp nội dung giấy phép môi trường được cấp trước vẫn còn hiệu lực.

Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo
quy định pháp luật, trong đó, lưu ý không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).

2. Về hệ thống xử lý nước thải và công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải: 

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các hạng mục, công trình của hệ thống xử
lý nước thải; nếu phát hiện hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo an toàn, có
khả năng, nguy cơ gây sự cố môi trường phải nhanh chóng tiến hành cải tạo, sửa
chữa, nâng cấp hạng mục, công trình hệ thống xử lý nước thải đảm bảo không gây
ô nhiễm môi trường, nước thải được thu gom triệt để và xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường. Tuyệt đối không được phép xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Các Cơ sở nhanh chóng rà soát hệ thống xử lý nước thải và công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đúng theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Khoản 3 Điều 57 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, cụ thể:

“1. Hệ thống xử lý nước thải phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Công nghệ phù hợp với loại hình, đặc tính nước thải cần xử lý;

b) Công suất hệ thống xử lý nước phải phù hợp với lượng nước thải phát sinh tối đa;

c) Xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

d) Vận hành công trình xử lý nước thải theo đúng quy trình kỹ thuật;

đ) Có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với hệ thống xử lý nước thải; điểm xả thải phải có tọa độ, biển báo, ký hiệu rõ ràng, thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát xả thải.”

“3. Công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải là một phần của hệ thống xử lý nước thải nhằm bảo đảm không xả nước thải chưa được xử lý ra môi trường trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải xảy ra sự cố. Công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố phải bảo đảm kiên cố, chống thấm, chống rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế về xây dựng hoặc tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm hàng hóa; có khả năng lưu chứa hoặc quay vòng xử lý lại nước thải với quy mô phù hợp với kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của dự án đầu tư, Cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Không sử dụng chung công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải với công trình thu gom, lưu giữ và thoát nước mưa, công trình lưu giữ nước phòng cháy, chữa cháy.

Trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải là trang thiết bị được chuẩn bị sẵn sàng theo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường để phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó kịp thời trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải xảy ra sự cố. Trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế về xây dựng hoặc tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm hàng hóa.”

3. Thiết bị quan trắc tự động, liên tục:

3.1. Đối với các đơn vị đã lắp đặt nhưng chưa thực hiện kết nối, truyền dữ liệu và chưa triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục:

Nhanh chóng triển khai đầu tư, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và kết nối, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 97 và Điều 98 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thường xuyên giám sát tình hình lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc tự động và số liệu quan trắc đã tiếp nhận, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải và xử lý nghiêm khi phát hiện hành vi vi phạm về quan trắc, giám sát môi trường tại Điều 16 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

3.2. Đối với các đơn vị đã lắp đặt và truyền số liệu về Sở:

- Tăng cường kiểm soát tình hình kết nối tại các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động của đơn vị; chịu trách nhiệm về chất lượng của số liệu quan trắc tự động đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường và truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Có kế hoạch, thực hiện nâng cấp, thay thế thiết bị đáp ứng quy định của Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường đối với các đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quan trắc môi trường.

- Đảm bảo các yêu cầu về công tác quản lý số liệu, kiểm định, hiệu chuẩn, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động được quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT.

4. Về chất thải rắn

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường đúng theo quy định tại Khoản 1, Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:

1. Yêu cầu chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường được quy định như sau:

a) Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy;

b) Chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho Cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp để xử lý;

c) Chủ nguồn thải chất thải công nghiệp phải kiểm soát có trách nhiệm phân định chất thải là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường thông qua hoạt động lấy, phân tích mẫu do Cơ sở có chức năng, đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật. Chất thải công nghiệp sau khi phân định phải được quản lý theo quy định của pháp luật;

d) Chất thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và được phép sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất;

đ) Tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến Cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến Cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp;

e) Việc quản lý chất thải phóng xạ được thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.”

5. Thực hiện kê khai và mội phí bảo vệ môi trường đối với nước thải:

5.1. Kiểm tra, rà soát việc kê khai phí nước thải của Cơ sở trường hợp chưa thực hiện kê khai hoặc kê khai chưa đầy đủ, yêu cầu nhanh chóng thực hiện kê khai, nộp phí nước thải theo đúng quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (Nghị định số 53/2020/NĐ-CP) gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để được thẩm định, xác định số phí phải nộp vào ngân sách nhà nước, trong đó:

a. Các Cơ sở sản xuất, kinh doanh có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải, không áp dụng mức phí biến đổi):

Kê khai phí nước thải theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, nộp tờ kê khai phí và các hồ sơ có liên quan đã được Lãnh đạo Cơ sở ký, ghi rõ họ tên, đóng mộc dấu xác nhận, gồm: Sổ theo dõi, cập nhật lượng nước thải thải ra, nước khai thác dưới đất để sử dụng; tờ khai thuế tài nguyên, chứng từ đóng thuế tài nguyên; các hợp đồng, hóa đơn thể hiện khối lượng mua nước của đơn vị cấp nước (nếu có); thông tin có trong các báo cáo giám sát môi trường định kỳ,…

b. Các Cơ sở sản xuất, kinh doanh có tổng lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 20 m3/ngày:

- Khẩn trương thực hiện kê khai, nộp phí theo đúng quy định tại Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020 của Chính phủ quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Hồ sơ kê khai nộp phí phải đính kèm các hồ sơ có liên quan để phục vụ công tác thẩm định như:

+ Sổ theo dõi đồng hồ đo lưu lượng xả nước thải vào nguồn nước, đồng hồ đo lưu lượng nước khai thác dưới đất để sử dụng và kèm hình ảnh chứng minh thể hiện chỉ số các đồng hồ nêu trên vào ngày đầu, ngày cuối của các quý kê khai phí;

+ Tờ khai thuế tài nguyên, chứng từ đóng thuế tài nguyên;

+ Thông tin có trong các báo cáo giám sát môi trường định kỳ;

+ Bảng kê sản lượng nguyên liệu, sản phẩm;

+ Kết quả thử nghiệm nước thải,… .

- Trường hợp không có các hồ sơ nêu trên, đề nghị chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh nêu rõ lý do trong Tờ kê khai phí.

- Chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh ký, ghi rõ họ tên, đóng mộc xác nhận đối với Tờ kê khai phí và các hồ sơ, chứng từ đính kèm; đồng thời cam đoan số liệu kê khai là đúng với thực tế hoạt động của Cơ sở và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các số liệu đã kê khai tại các Tờ kê khai phí và các hồ sơ đó.

5.2. Hàng quý, chậm nhất là ngày 20 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo, kê khai phí theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 53/2020/NĐ-CP, nộp tờ kê khai phí nước thải và các hồ sơ có liên quan như đã nêu ở trên về Sở Tài nguyên và Môi trường để thẩm định. Trường hợp trong quý không phát sinh phí nước thải, Cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn phải kê khai và nộp tờ kê khai phí nước thải theo quy định.

II. Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh:

1. Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường và tăng cường công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của Luật Bảo vệ môi trường.

2. Xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện việc rà soát và yêu cầu các cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa và trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường); lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục bảo đảm đúng thời hạn quy định (chậm nhất là trước ngày 31 tháng 12 năm 2024 theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP). Rà soát hệ thống xử lý nước thải và công trình, thiết bị phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đúng theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Khoản 3 Điều 57  Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

3. Thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật, trong đó, lưu ý không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

4. Các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường).

5. Về quan trắc tự động nước thải liên tục: Tăng cường kiểm soát tình hình kết nối tại các trạm quan trắc nước thải của đơn vị; chịu trách nhiệm về chất lượng của số liệu quan trắc tự động đảm bảo tính toàn vẹn và bảo mật dữ liệu truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường và truyền về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Có kế hoạch, thực hiện nâng cấp, thay thế thiết bị đáp ứng quy định của Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT đối với các đơn vị đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 01/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đảm bảo các yêu cầu về công tác quản lý số liệu, kiểm định, hiệu chuẩn, vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động được quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT.

6. Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường đúng theo quy định tại Khoản 1, Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường.

7. Thực hiện kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đúng theo quy định nêu trên.

Trường hợp các Cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra xử lý nghiêm hành vi vi phạm đúng theo quy định Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Yêu cầu các Cơ sở nghiêm túc thực hiện nhanh chóng các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường (thông qua Phòng Bảo vệ môi trường), địa chỉ: Số 606, đường 30/4, phường 3, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh để được hướng dẫn./.

Tác giả: MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây