Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện trách nhiệm của địa phương về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng để thực hiện lộ trình phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên cả nước từ 01/01/2025. Cụ thể như sau:
1. Triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn bảo đảm phù hợp với các quy định tại Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường và Văn bản số 3895/UBND-KT ngày 29/11/2023 của UBND tỉnh về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Các Tổ chức Chính trị - Xã hội; Đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố tiến hành đồng thời việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên. Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực để tổ chức phân loại theo quy định, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân; việc tuyên truyền, vận động thực hiện bài bản có chiến lược, thường xuyên và liên tục. Đồng thời, công tác tuyên truyền phải tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức; Xây dựng các chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông với quy mô và hình thức đa dạng, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa tổng thể; Thực hiện một số mô hình thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, lựa chọn mô hình phù hợp, đạt hiệu quả để nhân rộng; việc phân loại nhằm thúc đẩy tăng cường tái chế, tái sử dụng, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu.
2. Bố trí đầy đủ các điểm tập kết tạm thời (nếu có), thiết bị lưu chứa, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân để thu gom, phân loại đảm bảo theo quy định. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thu gom vận chuyển (đã trúng thầu) quy định thời gian, tần suất, tuyến thu gom, vận chuyển, chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phù hợp tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tối ưu về cự ly vận chuyển và tình hình giao thông tại khu vực, phù hợp với Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 22/11/2023 về quy định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo sắp xếp thời gian hoạt động của các điểm tập kết và các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.
3. Tuyên truyền, vận động 100% hộ dân đô thị đăng ký dịch vụ thu gom, xử lý rác; 75 % hộ dân nông thôn đăng ký dịch vụ thu gom, xử lý rác.
4. Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp không phân loại, không sử dụng bao bì lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; thải bỏ chất thải rắn sinh hoạt không đúng nơi quy định; không ký hợp đồng cung ứng thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) trong hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để chấn chỉnh hoạt động của các chủ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
Tác giả: MT
Ý kiến bạn đọc