Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố

Thứ sáu - 11/04/2014 14:30 14.126 0
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Nghị định số 24/2014/NĐ-CP Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 5 năm 2014.

 

 

Theo Nghị định, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm có sở và cơ quan ngang sở (sau đây gọi chung là sở) bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và sự thống nhất, thông suốt, quản lý ngành, lĩnh vực công tác từ Trung ương đến cơ sở; tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; không nhất thiết ở Trung ương có bộ, cơ quan ngang bộ thì cấp tỉnh có tổ chức tương ứng; không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với các tổ chức thuộc bộ đặt tại địa phương.

Nghị định quy định, Sở là cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Cơ cấu tổ chức của sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm có: Văn phòng; thanh tra; phòng chuyên môn, nghiệp vụ; chi cục; đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, thanh tra, chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập là 03 đơn vị không nhất thiết phải thành lập tại các sở. Riêng Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Cổng Thông tin điện tử.

Về số lượng các sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có 17 sở được thống nhất tổ chức ở các địa phương gồm: Sở Nội vụ; Sở Tư pháp; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Bên cạnh đó còn có các sở đặc thù được tổ chức ở một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Cụ thể, Sở Ngoại vụ được thành lập khi địa phương đó có đường biên giới trên bộ và có cửa khẩu quốc tế hoặc quốc gia. Những tỉnh không có đường biên giới nhưng có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; các địa phương có khu du lịch quốc gia hoặc di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Ban Dân tộc được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đảm bảo có 2 trong 3 tiêu chí: Có trên 20 nghìn người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản; có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc được thành lập tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài 3 sở đặc thù trên, Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định: Cơ quan chuyên môn đặc thù khác chỉ được tổ chức khi thật cần thiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương.

Nghị định cũng quy định chặt chẽ chế độ làm việc của sở và trách nhiệm của Giám đốc sở. Theo đó, Giám đốc sở chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương và các công việc được Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công hoặc ủy quyền.

Không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình lên Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đủ khả năng và điều kiện để giải quyết thì Giám đốc sở phải chủ động làm việc với Giám đốc sở có liên quan để hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, gây thiệt hại trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền sở quản lý.

Theo tayninh.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây