Thông báo về việc Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai - 27/03/2023 08:45 458 0
Thông báo về việc Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Công văn số 436/CKSONMT-QTMT ngày 02/03/2023 của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải;

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải (nếu có) và một số nội dung cụ thể sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 75/UBND-KTTC ngày 15/01/2020 về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Công văn số 175/UBND-KT ngày 20/01/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Công văn số 363/UBND-KT ngày 27/01/2022 về việc tăng cường thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí;

 2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường quan trắc môi trường không khí theo Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày  09/5/2022 của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025”.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 2447/QĐ-UBND ngày 01/12/2022 của UBND tỉnh phê duyệt đề án “Tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 – 2025”, quản lý số liệu quan trắc môi trường; thường xuyên cập nhật vào cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường của tỉnh, quốc gia bảo đảm thống nhất, đồng bộ và liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin. Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

- Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải quan trắc khí thải tự động, liên tục quy định tại Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2020; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục đúng thời gian quy định, có camera theo dõi, hệ thống quan trắc phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường, thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật, truyền dữ liệu trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và các cơ quan liên quan để theo dõi, giám sát. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe cần phối hợp với các cơ quan y tế kịp thời phổ biến, hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp bảo vệ sức khỏe an toàn.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh (nếu có).

- Đôn đốc, kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý khí thải, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông, đồng thời kết nối về Bộ Tài nguyên và Môi trường để các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn, báo chí có thể theo dõi, tiếp cận và đưa tin.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường không khí; phản ánh các tổ chức cá nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh sử dụng các kết quả, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo thời tiết hàng ngày.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động xử lý phụ phẩm, sản phẩm thải sau thu hoạch của ngành nông nghiệp (rơm rạ, chất thải rắn, chất thải chăn nuôi…) đảm bảo được xử lý an toàn, đúng quy định nhằm giảm các nguồn phát sinh khí thải gây ô nhiễm môi trường.

5. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh

- Tăng cường quan trắc, kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong các Khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, trong đó đặc biệt chú ý đến các cơ sở sản xuất có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn phải kiểm kê khí nhà kính theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT đối với các cơ sở có phát sinh nguồn khí thải lớn trên địa bàn Khu công nghiệp, Khu kinh tế

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Báo Tây Ninh và các cơ quan truyền thông các cấp.

Thường xuyên thực hiện công tác truyền thông về tác hại của ô nhiễm môi trường không khí, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường không khí; nêu gương các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường không khí; phản ánh các tổ chức cá nhân gây ô nhiêm môi trường không khí. Sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí chính thống do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để cung cấp thông tin cho cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông hoặc thông tin dự báo khí tượng, thời tiết định kỳ. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có giải pháp tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp cho các mục đích khác. Xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm đối với các cơ sở thu mua phế liệu đốt chất thải rắn công nghiệp thông thường không kiểm soát (sau khi phân loại không còn sử dụng được).

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn theo thẩm quyền (nếu có).

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, các đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn xung quanh công trình, các xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng phải được phủ bạc, che đậy kín để không làm rơi vải, phun nước rửa đường, rửa ra xe ra vào công trình, v.v…)

Đề nghị các đơn vị liên quan căn cứ nội dung công văn này tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu các đơn vị có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để giải quyết kịp thời./.

Tác giả: MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây