Thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất: Góp phần quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai

Thứ tư - 17/04/2013 14:45 773 0
Giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những giải pháp quan trọng được quy định trong Luật Đất đai năm 2003. Để đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) có hiệu quả thì việc quy định về mức thu phí tham gia đấu giá phù hợp là rất cần thiết, qua đó góp phần tăng cường quản lý của Nhà nước về đất đai.

 

Cán bộ Sở TN&MT kiểm tra việc cấp Giấy đăng ký quyền sử dụng đất Bắc n

            Hiện nay, việc thu phí đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư Pháp) và Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo Quyết định số 18/2007/QĐ-UBND, ngày 15/3/2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình triển khai thực hiện, việc thu phí, quản lý và sử dụng phí đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh đều được các cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức thu phí đấu giá QSDĐ đã được sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh ta là quỹ đất không nhiều nên kết quả thực hiện thu phí tham gia đấu giá QSDĐ phát sinh theo từng dự án được giao rất thấp; số phí thu được về cơ bản chỉ bù đắp được chi phí tối thiểu cho hoạt động tổ chức bán đấu giá, còn những nội dung chi khác có liên quan theo quy định hiện hành chủ yếu lấy từ ngân sách Nhà nước. Cụ thể, từ năm 2007- 2012, Hội đồng đấu giá cấp tỉnh thu được 114.200.000 đồng, nộp ngân sách Nhà nước 80.000 đồng, số để lại và chi hết 114.120.000 đồng; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá (Sở Tư pháp), thu 11.200.000 đồng, số để lại 11.200.000 đồng và số chi hết 3.400.000 đồng. Số phí thu được sử dụng vào các nội dung như: Xây dựng quy chế đấu giá, khảo sát giá, xây dựng giá khởi điểm, xây dựng quy chế đấu giá, văn phòng phẩm, giao đất, thuê các dịch vụ ngoài…

Theo đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá: Để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người tham gia đấu giá QSDĐ. Đồng thời, tạo điều kiện chủ động về tài chính cho các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản thực hiện tốt hơn nữa việc thu, quản lý, sử dụng phí đấu giá trong thời gian tới; việc xây dựng và điều chỉnh mức thu phí tham gia đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

Trên cơ sở văn bản quy định của Bộ Tài chính (Thông tư số 48/2012/TT-BTC Hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2012); UBND tỉnh đã có tờ trình lên HĐND tỉnh. Tại kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh khóa XV, ngày 8/12/2012 các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thu phí tham gia đấu giá QSDĐ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Qua đây, nhằm tiếp tục quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả bền vững. Theo đó, mức thu phí tham gia đấu giá QSDĐ trên địa bàn được UBND tỉnh điều chỉnh  bằng mức quy định tại Thông tư số 48 được thực hiện trong hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là đấu giá QSDĐ để đầu tư xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân: mức thu tối đa trên một hồ sơ là 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng, tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất theo giá khởi điểm từ 200 triệu đồng trở xuống, từ trên 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, từ trên 500 triệu đồng. Trường hợp thứ hai là đấu giá QSDĐ không thuộc phạm vi nêu trên: Mức thu tối đa trên một hồ sơ là 1 triệu đồng, 3 triệu đồng, 4 triệu đồng, 5 triệu đồng, tương ứng với diện tích đất từ 0,5 ha trở xuống, từ trên 0,5 ha đến 2 ha, từ trên 2 ha đến 5 ha, từ trên 5 ha. Trường hợp cuộc đấu giá không tổ chức được thì tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá tài sản được hoàn lại toàn bộ tiền phí tham gia đấu giá đã nộp trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày dự kiến tổ chức phiên bán đấu giá.

Có thể nói, thông qua đấu giá QSDĐ với mức thu phí phù hợp bên cạnh việc đảm bảo chủ động tài chính thì đây còn là công cụ giải quyết vấn đề bức xúc về đất đai. Từ quy định mức thu phí sẽ tạo ra mặt bằng giá thị trường công khai, minh bạch; hạn chế được tình trạng “xin - cho” trong giao đất, cho thuê đất; giải quyết vấn đề khiếu kiện trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, lựa chọn được nhà đầu tư có khả năng tốt nhất về kỹ thuật, về tài chính để thực hiện dự án; cộng với yếu tố mặt bằng sẵn có, các dự án đất tham gia đấu giá sẽ được triển khai một cách nhanh chóng, thuận lợi, đem lại lợi ích cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.

 

Bộ Tài nguyên - Môi trường

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây