Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: Cần bảo vệ nghiêm ngặt, khai thác sử dụng có hiệu quả

Thứ ba - 06/08/2013 16:10 946 0

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: Cần bảo vệ nghiêm ngặt, khai thác sử dụng có hiệu quả

Vừa qua, UBND tỉnh thông qua Dự án “Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn từ 2013 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Từ đây, bức tranh toàn cảnh về tài nguyên khoáng sản trên đất Tây Ninh đã được xác định.

     Nhiều loại khoáng sản được điều tra, xác định

   Theo Dự án, tại Tây Ninh có hai loại khoáng sản chính là kim loại và không kim loại. Khoáng sản kim loại chỉ mới phát hiện được một điểm quặng sắt tại đồi 95 thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu nhưng chưa xác định được trữ lượng. Nhóm khoáng sản không kim loại được xác định có 2 loại gồm: Khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng.

Những chiếc tàu hút cát vô tội vạ trong hồ Dầu Tiếng

    Khoáng chất công nghiệp gồm có nguyên liệu gốm sứ (kaolin) và khoáng sản than bùn. Khoáng sản kaolin hiện đã điều tra, thống kê được 11 điểm chủ yếu ở địa bàn huyện Tân Châu và rải rác ở các huyện, thị trong tỉnh- trừ huyện Bến Cầu. Trong số này có một số điểm có giá trị như ở Suối Ngô (Tân Châu), Cầu Khởi (Dương Minh Châu), Bàu Đưng (Tân Biên) và suối Cả Nấn (Gò Dầu) với tổng trữ lượng hơn 123 triệu tấn. Riêng mỏ kaolin Suối Ngô có trữ lượng thu hồi hơn 5,7 triệu tấn, đạt chất lượng kaolin loại IV. Về khoáng sản than bùn, đã tổng hợp được 21 điểm có mỏ, trong đó có 6 điểm đã được thăm dò và khai thác. Các mỏ than bùn chủ yếu tập trung dọc thung lũng sông Vàm Cỏ Đông.

    Về vật liệu xây dựng, được chia làm 2 dạng: vật liệu xây dựng tự nhiên và nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Vật liệu tự nhiên gồm có đá xây dựng, cuội sỏi, cát xây dựng và vật liệu san lấp. Đá xây dựng đã đăng ký 8 điểm, tổng trữ lượng hơn 630 triệu m3, hiện một số mỏ đã bị đóng cửa cấm khai thác hoặc không cho phép khai thác. Hiện chỉ có mỏ đá Lộc Trung (Dương Minh Châu) được phép khai thác trong thời hạn 10 năm, trữ lượng hơn 7,677 triệu m3. Cuội, sỏi đã xác định được 6 điểm, phân bố ở cầu Bổ Túc, suối Nước Đục, Nam suối Đôn (Tân Châu), Ninh Tân (Thị xã); tổng diện tích đánh giá, khảo sát là 502,5 ha, có trữ lượng đạt gần 12 triệu m3. Cát xây dựng, đã điều tra xác định được 23 điểm, phân bố chủ yếu dọc theo 2 con sông là sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn và các suối đổ vào 2 sông này với tổng trữ lượng đạt 161 triệu m3. Vật liệu san lấp (laterit), được điều tra, xác định 21 điểm, phân bổ đều khắp ở các huyện, thị trong tỉnh, trữ lượng đạt 146,4 triệu m3.

    Về nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng gồm 3 loại: Sét làm gạch, ngói; đá vôi xi măng và laterit phụ gia xi măng. Sét làm gạch, ngói toàn tỉnh đã điều tra xác định được 29 mỏ, thăm dò trên diện tích 9.548,52 ha, tổng trữ lượng đạt 1,7 tỷ m3. Đá vôi xi măng được phát hiện ở xã Tân Hoà (Tân Châu) gồm 3 điểm là Chà Và, Sóc Con Trăn và suối Chong Uyen (Sroc Tâm), tổng trữ lượng là 69,36 triệu tấn. Hiện nay mỏ Sóc Con Trăn đang được Nhà máy xi măng Fico khai thác sử dụng tại chỗ. Laterit phụ gia xi măng, đã điều tra xác định được 2 điểm là KaRao Tân Trung (Tân Châu) và Chàng Riệc (Tân Biên), tổng trữ lượng đạt 126 triệu tấn.

     Thực trạng quản lý và khai thác

     Tổng số điểm có khoáng sản trên địa bàn tỉnh là 125 điểm, thế nhưng hiện nay mới có 28 mỏ được thăm dò và rất nhiều điểm còn lại đã được cấp phép khai thác nhưng chưa được thăm dò (!?).

Theo Sở Tài nguyên & Môi trường, năm 2012 toàn tỉnh có 169 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, tận thu khoáng sản và vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp phép. Tuy nhiên, do công tác kiểm tra chưa được triển khai đến huyện, xã dẫn đến tình trạng không quản lý được thực chất của hoạt động này làm thất thoát tài nguyên và môi trường khu vực khai thác không đảm bảo do chủ khai thác không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường.

     Điển hình như tại mỏ đá Lộc Trung, chỉ một lần đơn vị khai thác cho tăng lượng chất nổ (vượt quá quy định) để tăng năng suất khai thác, đã dẫn đến sự phản ứng của người dân gần khu vực mỏ, làm cho việc khai thác phải ngưng hoạt động trong thời gian dài. Hay việc khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng, thực tế không ai quản lý số lượng khai thác và độ sâu khai thác thực tế cũng không ai biết được là bao nhiêu. Một doanh nghiệp ở Tân Hưng (Tân Châu) lấy hàng trăm xe đất công làm đất san lấp đem bán, khi người dân phát hiện, tố giác mới bị xử lý… Tình trạng lợi dụng danh nghĩa để khai thác ngoài phạm vi cho phép cũng đang khá phổ biến, hoặc người dân tự ý khai thác đất, đá làm vật liệu san lấp trên diện tích đất được giao quyền sử dụng đem bán cho “đầu nậu” có giấy phép khai thác cũng có diễn ra.

     Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, do Nhà nước thống nhất quản lý, mọi hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng… đều phải theo kế hoạch và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc khai thác khoáng sản tại các mỏ phải được tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Khi có quy hoạch thì việc quản lý, khai thác sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, phát huy được trách nhiệm và quyền làm chủ cũng như sự giám sát của người dân.

Theo baotayninh.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây