Tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Thứ sáu - 17/01/2025 15:29 17 0
Ngày 16/01/2025, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 167/UBND-KTvề việc tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và đảm bảo vệ sinh môi trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Thực hiện Công văn số 68/BTNMT-KSONMT ngày 03/01/2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và đảm bảo vệ sinh môi trường trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung như sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Bố trí, sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, chủ động phòng ngừa và huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường (nếu có) nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có sự cố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm trường thông qua hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục và các biện pháp khác phù hợp.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chỉ đạo Ban quản lý các điểm tham quan du lịch, di tích, đền chùa tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt du khách không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, bố trí các thùng chứa để phân loại, lưu giữ, thu gom chất thải rắn sinh hoạt; lập, niêm yết các băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích treo tại cổng với nội dung không mang giỏ lễ, thực phẩm bằng khay nhựa sử dụng một lần, chai, ly nhựa sử dụng 1 lần, hộp mút xốp đựng thực phẩm, hàng mã, túi nilong”.

- Phối hợp Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Bà yêu cầu Công ty cổ phần mặt trời Tây Ninh và các đơn vị có liên quan trong hoạt động kinh doanh, du lịch, các đơn vị tổ chức tour du lịch tại Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bà Đen phải tuân thủ quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, thải bỏ chất thải đúng nơi quy định, không mang giỏ lễ, thực phẩm bằng khay nhựa sử dụng một lần, chai, ly nhựa sử dụng 1 lần, hộp mút xốp đựng thực phẩm, hàng mã, túi nilong vào Khu di tích lịch sử văn hóa và danh thắng núi Bà Đen.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Tây Ninh:

Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phong trào “Phân loại rác tại nguồn”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Tết sạch không rác”, “Tết trồng cây”; kịp thời tuyên dương những địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, phê bình những địa phương, tổ chức, cá nhân còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

4. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu; yêu cầu chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp phải thường xuyên vận hành các công trình xử lý chất thải để đảm bảo các chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra ngoài môi trường; bố trí, sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin, chủ động phòng ngừa và huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp.

5. Công an tỉnh:

Chỉ đạo các lực lượng nắm bắt tình hình, tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là hành vi đổ, thải, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải xây dựng không đúng quy định và phối hợp cơ quan liên quan thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe và tạo sự thay đổi về ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường.  

6. Các Sở, ban, ngành liên quan:

Chủ động triển khai các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường theo chức năng, lĩnh vực ngành; bố trí sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý thông tin và thông tin kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý khi có các dấu hiệu ô nhiễm hoặc sự cố môi trường xảy ra; phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trước, trong và sau Tết Nguyên Đán.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức thực hiện các phương án thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý triệt để chất thải phát sinh trên địa bàn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán tại các khu vực công cộng, khu vực chợ, khu dân cư tập trung, khu du lịch văn hóa, khu vui chơi, giải trí và chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh khối lượng lớn. Chỉ đạo đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý chủ động chuẩn bị phương tiện, dụng cụ, nhân lực để đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng rác thải phát sinh và đồng thời tăng cường kiểm tra, theo dõi và đôn đốc đơn vị thực hiện; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải tại các vị trí công cộng, khu đô thị, thương mại, dân cư, khu du lịch gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan.

- Chủ động nắm tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt các cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Bố trí, sắp xếp lực lượng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin; khi có dấu hiệu ô nhiễm hoặc sự cố môi trường, kịp thời huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nhanh chóng, hiệu quả đảm bảo công tác ứng phó kịp thời, giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; báo cáo kịp thời UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan phối hợp ứng phó, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại sự cố môi trường và các sự cố khác. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở thu mua, tập kết phế liệu trong khu dân cư để đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.

- Tăng cường tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phân loại, thu gom chất thải theo quy định.

-  Chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý tăng cường kiểm tra công tác thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng và công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

8. Công ty CP công trình đô thị Tây Ninh, các Hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các địa phương, Công ty TNHH MTV Môi trường xanh Huê Phương, Công ty cổ phần công nghệ môi trường Tây Ninh:

Chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị, Nhà máy do mình quản lý nhằm không để xảy ra tình trạng tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường; kịp thời xử lý hoặc báo cơ quan có chức năng xử lý các sự cố xảy ra (nếu có).

9. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh:

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thường xuyên vận hành các công trình xử lý chất thải để đảm bảo các chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả ra ngoài môi trường; ký hợp đồng xử lý chất thải với đơn vị xử lý đúng quy định; bố trí cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường thường trực để chủ động phòng ngừa và kịp thời xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.

- Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; thực hiện công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại khoản 1 Điều 124 Luật Bảo vệ môi trường; khoản 1 Điều 109, khoản 3 Điều 110 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Khi có dấu hiệu ô nhiễm hoặc sự cố môi trường thì chủ động huy động nguồn lực để tổ chức xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường nhanh chóng, hiệu quả đảm bảo công tác ứng phó kịp thời, giảm thiểu thấp nhất các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; báo cáo kịp thời đến UBND cấp xã, cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường và sở, ngành liên quan để phối hợp xử lý khi có sự cố xảy ra (nếu có).

- Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh phải chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, tăng tần suất thu gom để đảm bảo việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được triệt để, không để ứ đọng diễn ra gây ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. 

Đề nghị các đơn vị, tổ chức có liên quan căn cứ nội dung trên tổ chức triển khai thực hiện./.

Tác giả: Phòng BVMT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây