Căn cứ Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về bảo vệ môi trường nước mặt;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh;
Để chủ động kiểm soát, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối mùa khô năm 2024 cụ thể như sau:
I. Mục đích – Yêu cầu:
1. Mục đích:
Bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường làm suy thoái chất lượng nước trên các sông, suối.
Góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về môi trường vào trật tự, kỷ cương và phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
2. Yêu cầu:
Thực hiện phải đúng theo quy định của pháp luật, phải có trọng tâm, trọng điểm và phải toàn diện theo định hướng của Kế hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh đã được thông qua; không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và các hoạt động bình thường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống sông suối, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Đề ra giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp, khả thi để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
II. Đối tượng:
Tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở có nguồn thải xả vào hệ thống sông, suối, kênh, rạch khi có thông tin gây ô nhiễm môi trường.
III. Nội dung:
1. Xử lý ô nhiễm các kênh, rạch thuộc lưu vực sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng: Tổ chức thực hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường bảo vệ lưu vực sông; tăng cường năng lực và tổ chức quan trắc môi trường nước sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng, rạch Tây Ninh và xây dựng hệ thống thông tin về môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý môi trường ở địa phương.
2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất (kể cả ngoài giờ hành chính) theo thẩm quyền, các cơ sở có nguồn thải vào sông, suối; có biện pháp xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với các cơ sở xả nước thải không đạt quy chuẩn quy định ra môi trường, xem xét tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không tuân thủ quy trình vận hành thường xuyên dẫn đến chất lượng nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn quy định đến khi hệ thống hoạt động đạt quy chuẩn quy định.
3. Yêu cầu các cơ sở thường xuyên kiểm tra, rà soát các hạng mục, công trình, hệ thống xử lý nước thải; nếu phát hiện hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gây sự cố môi trường phải nhanh chóng tiến hành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hạng mục, công trình hệ thống xử lý nước thải. Rà soát lại hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước nước mưa, nước thải, nước làm mát đảm bảo tách riêng biệt, xây dựng công trình phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục phải nhanh chóng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục và gửi hồ sơ liên quan theo quy định tại Thông tư số 10/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định kỹ thuật quan trắc môi trường và quản lý thông tin, dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường.
4. Kịp thời tiếp nhận phản ánh của báo đài, người dân, tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thanh kiểm tra giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về ô nhiễm môi trường và xử lý nghiêm các cơ sở không thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường hàng năm và các cơ sở khác vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
5. Tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường khu vực giáp biên giới Vương quốc Campuchia.
6. Phát huy vai trò của các Tổ chức Chính trị - Xã hội, các Đoàn thể trong việc giám sát công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Tỉnh.
7. Bố trí Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn, cán bộ lấy mẫu, phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Kế hoạch. Cán bộ thực hiện sẽ xuất trình thẻ công chức, thẻ thanh tra.
8. Duy trì thường xuyên việc quan trắc chất lượng nước sông suối, cập nhật số liệu tại các trạm quan trắc tự động, liên tục nước mặt trên địa bàn Tỉnh.
9. Phối hợp các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, vận động người dân giám sát việc xả thải của các cơ sở để thông báo về cơ quan chức năng khi phát hiện hành vi gây ô nhiễm nguồn nước để thông báo qua các số điện thoại đường dây nóng đã công bố trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường https://sotnmt.tayninh.gov.vn.
IV. Tổ chức thực hiện:
1. Phòng Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở bố trí cán bộ triển khai thực hiện Kế hoạch; thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất (kể cả ngoài giờ hành chính) khi có thông tin phản ánh cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
2. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường phối hợp và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện lấy mẫu, lưu mẫu, phân tích mẫu, trả kết quả mẫu đúng theo quy định; cung cấp số liệu quan trắc chất lượng nước sông suối, cập nhật số liệu tại các trạm quan trắc tự động, liên tục nước mặt.
3. Phòng Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn, phân bổ kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm.
4. Văn phòng Đăng ký đất đai Tỉnh đăng tải Kế hoạch và các thông tin có liên quan trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.
5. Văn phòng Sở sắp xếp, bố trí phương tiện xe ô tô đi công tác khi có yêu cầu, thông báo Kế hoạch này đến các Phòng, Trung tâm, Đơn vị trực thuộc Sở biết, thực hiện.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc đề nghị các đơn vị báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường, thông qua Phòng Bảo vệ môi trường để tổng hợp, đề xuất./.
Tác giả: MT
Ý kiến bạn đọc