Văn phòng đăng ký đất đai – Tăng cường cải cách hành chính và số hóa dữ liệu

Thứ ba - 03/01/2023 10:27 1.006 0
Triển khai thi hành Luật đất đai 2013 cho thấy, hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai (một cấp - trực thuộc Sở TN&MT) đã có nhiều hiệu quả trong cải cách hành chính, tạo được niềm tin, sự ủng hộ của người dân tại các địa phương thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), thực hiện pháp luật đất đai năm 2013, đến nay, cả nước có 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập VPĐKĐĐ với 668 Chi nhánh trên phạm vi 679 đơn vị hành chính cấp huyện; còn 3 tỉnh chưa thành lập bao gồm: Quảng Ninh, Phú Thọ, Điện Biên.

Sau gần 10 năm thực hiện hệ thống VPĐKĐĐ một cấp ở các tỉnh, thành phố đã thể hiện nhiều điểm tích cực nổi trội so với hệ thống Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hai cấp ở tất cả các mặt, trong đó, nổi bật là việc thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đăng ký đất đai (ĐKĐĐ), cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ) tạo điều kiện cho việc thực hiện thủ tục ĐKĐĐ được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác hơn trước đây; Việc liên thông giữa các cấp, các cơ quan được đẩy mạnh thực hiện; Một số tỉnh đã bước đầu cho phép các tổ chức, cá nhân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục ĐKĐĐ, cấp Giấy chứng nhận mà không bắt buộc một địa điểm như trước đây. Văn phòng cũng là nền tảng cho việc liên thông dữ liệu giữa các ngành liên quan, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử; Nhiều loại giấy tờ, TTHC không phù hợp đã được rà soát, lồng ghép hoặc cắt bỏ.

Thời gian thực hiện nhiều thủ tục ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ đã giảm mạnh (từ 5 - 25 ngày so với trước đây); số lượng hồ sơ giao dịch về đất đai bị trễ hạn cơ bản đã được chấm dứt (90% - 95%) số hồ sơ được giải quyết đúng thời gian quy định).

Bên cạnh đó, đã có 24 tỉnh, thành phố thực hiện kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan ĐKĐĐ và cơ quan Thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất, 61 tỉnh/thành phố đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia. Việc thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên cổng Dịch vụ công quốc gia tính từ đầu năm 2022 đến nay có hơn 414.000 giao dịch với số tiền 2.000 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Đăng ký đất đai, việc thực hiện hệ thống VPĐKĐĐ tạo điều kiện cho thủ tục ĐKĐĐ thuận lợi, nhanh chóng, chính xác hơn trước đây. Đặc biệt, một số tỉnh đã bước đầu cho phép các tổ chức, cá nhân được lựa chọn nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ mà không bắt buộc một địa điểm như trước đây.

Ở nhiều địa phương, VPĐKĐĐ đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng gửi tin nhắn SMS, email thông báo Thuế trên hệ thống Liên thông thuế; phối hợp với Kho bạc và các Ngân hàng thu nghĩa vụ tài chính đất đai khi người dân mang tin nhắn SMS hoặc Thông báo thuế nhận từ email đến nộp, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho việc đi lại của người dân, giảm hoạt động môi giới giải quyết TTHC tại địa phương, tạo môi trường minh bạch và xây dựng được niềm tin của người dân với nhân viên Văn phòng.

Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai đã có nhiều hiệu quả trong cải cách hành chính đẩy mạnh việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với hơn 43 triệu thửa đất

Thực tế, Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

Năm 2015, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 75 quy định kỹ thuật về cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó quy định cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm 4 thành phần: Cơ sở dữ liệu địa chính; Cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Cơ sở dữ liệu giá đất và Cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai.

Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai với thông tin dữ liệu số của hơn 43 triệu thửa đất được tích hợp.

Kết quả đến nay, tại Trung ương, đã hoàn thành việc xây dụng Cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương xây dựng bao gồm: Dữ liệu Thống kê, kiểm kê đất đai cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ quy hoạch 2010 - 2020 cấp vùng và cả nước; Dữ liệu Giá đất (Dữ liệu Giá đất xây dựng theo Khung giá đất giai đoạn 2015 -2019, giai đoạn 2020 - 2024); Dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai đã xây dựng cơ sở dữ liệu đánh giá thoái hóa đất, đánh giá chất lượng đất, đánh giá tiềm năng đất cấp vùng và cả nước; Dữ liệu tổng hợp địa chính Trung ương đã thống nhất bàn giao mẫu tổng hợp, phần dữ liệu đang được xây dựng trên cơ sở kết quả do địa phương tổng hợp.

Cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương do các tỉnh/thành phố đầu tư kinh phí để xây dựng hạ tầng và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đến nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với hơn 43 triệu thửa đất, trong đó có 219/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng, điển hình một số tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu trên toàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Khắc Thế, Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và cơ sở dữ liệu đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai để khai thác tối đa hiệu quả cơ sở dữ liệu đất đai đã được đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin đất đai với các cơ quan liên quan như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai; kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

Với kết quả nêu trên, khi dữ liệu đất đai được chia sẻ và khai thác trong thị trường bất động sản sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch, phát triển ổn định và bền vững.

Trong thị trường bất động sản, thông tin về pháp lý của thửa đất, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thửa đất là rất quan trọng. Hiện nay, mặc dù, pháp luật đã có quy định về việc tiếp cận và khai thác thông tin đất đai, đảm bảo minh bạch và kịp thời, tuy nhiên, trên thực tế việc tiếp cận thông tin của người dân vẫn còn khó khăn. Điều này là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tung tin đồn, làm giá bất động sản, lừa đảo bán các “dự án ma” và nhiều hệ lụy khác.

“Như vậy, khi cơ sở dữ liệu đất đai được chia sẻ và khai thác, người dân, tổ chức có thể truy cập tra cứu thông tin chính thống từ cơ quan quản lý trước khi quyết định mua một bất động sản, từ đó, góp phần làm minh bạch, ổn định thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.” – ông Thế chia sẻ.

Tác giả: MT

Nguồn tin: monre.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây