Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm về “Thu hồi đất theo quy hoạch và định giá đất được sự đồng thuận của người dân”, nhóm nghiên cứu của LANDA đã thu thập được nhiều bằng chứng giá trị làm căn cứ cho một số kiến nghị đề xuất góp ý hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi 2013.
Báo cáo kết quả khảo sát, Th.S Bùi Khắc Vư, thành viên nhóm nghiên cứu nhận định, kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy, việc thu hồi đất được tiến hành theo quy hoạch với cơ chế “góp đất và chia sẻ lợi ích”, trong đó quan tâm tới công tác vận động tuyên truyền và đối thoại giữa người dân với chính quyền; các dự án đều công khai, minh bạch, đồng thuận trong lấy ý kiến người dân; mức giá đền bù và tái định cư được áp dụng thống nhất cho tất cả các dự án trên toàn bộ địa bàn thành phố. Đáng chú ý là việc thực hiện bồi thường bằng đất đối với các hộ tái định cư với giá trị quy đổi. Việc làm này sẽ cung cấp một quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, tạo công bằng trong xã hội, hạn chế biến động bất thường về giá đất, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố và tạo cảnh quan đô thị khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, cách làm trên cũng gặp khó khăn nhất định do chính quyền không đủ ngân sách thu hồi đất nếu không có sự hỗ trợ của nhà đầu tư và nếu không có quỹ đất đủ lớn để quy hoạch tái định cư thì sẽ khó thực hiện.
Kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra, Nhà nước quyết định giá đất đền bù của từng dự án dựa trên tư vấn của cơ quan định giá đất độc lập, thu hồi đất dựa trên sự đồng thuận về giá giữa nhà đầu tư và người bị thu hồi đất. Cách thức triển khai này khiến Thành phố Hồ Chí Minh có giá đất đền bù sát với giá thị trường, nhà đầu tư được khấu trừ tiền sử dụng đất sát với giá trị đã bỏ ra cũng như thu thuế sát với giá thực tế. Tuy nhiên, cách làm này cũng có hạn chế về cơ sở dữ liệu nền giá, năng lực của cơ quan định giá đất độc lập, nhà đầu tư khó khăn trong thỏa thuận với người dân bị thu hồi đất và chênh lệch giá trên cùng một địa bàn.
Tại cuộc tọa đàm, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã trình bày góp ý cho các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi 2013, trong đó nhấn mạnh những điểm cần đặc biệt quan tâm là sự công khai và minh bạch, sự tham gia của người dân, tính đồng thuận trong quá trình chuyển dịch đất đai từ quy hoạch, thực hiện quy hoạch, thu hồi đất và giả quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyền giám sát của người dân, quyền về đất đai do Nhà nước đảm bảo đối với các nhóm yếu thế (nông dân, phụ nữ, đồng bao dân tộc thiểu số, người nghèo). Đặc biệt cần triển khai trình tự, thủ tục Nhà nước quyết định giá đất đảm bảo công bằng và khách quan; đồng thời hỗ trợ ổn định đời sống, việc làm, thu nhập cho những người bị thu hồi đất.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều thống nhất cao rằng, các Nghị định có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra những hướng dẫn rõ ràng nhằm bảo đảm việc thực thi Luật Đất đai thống nhất ở các địa phương. Tọa đàm là cơ hội để các đại biểu là các nhà quản lý, các chuyên gia tham gia góp ý kiến vào dự thảo các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai sửa đổi 2013.
Luật Đất đai sửa đổi 2013 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/11/2013 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Sau khi luật được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục đưa ra các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bảo Châu Theo Monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc