Gian nan bài toán việc làm cho nông dân mất đất sản xuất

Thứ ba - 01/04/2014 20:25 771 0

Gian nan bài toán việc làm cho nông dân mất đất sản xuất

Những năm gần đây, hàng nghìn hộ nông dân ở Cao Bằng bị mất đất sản xuất để giải phóng mặt bằng cho các dự án đô thị, công nghiệp. Họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì mất tư liệu sản xuất, không tìm được việc làm, nghề nghiệp mới để mưu sinh. Việc thực hiện Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho những nông dân bị mất đất sản xuất ở Cao Bằng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Hai địa phương có số nông dân mất đất nhiều nhất là Thành phố Cao Bằng và thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa. Thị trấn Tà Lùng có gần 40 ha đất nông nghiệp, đất ở, bị giải phóng mặt bằng, 7 năm đã qua, nhưng đến nay hàng trăm hộ nông dân vẫn chưa có việc làm ổn định như cam kết của các nhà đầu tư. Khi khu kinh tế cửa khẩu mở rộng, các nhà đầu tư dự tính sẽ sử dụng gần 1.000 lao động địa phương nhưng đến nay, do tình hình kinh tế khó khăn, cả khu kinh tế chỉ có hơn 100 lao động, hầu như không có người thuộc diện hộ mất đất giải phóng mặt bằng.  

  Chị Vi Thị Công, xóm Hưng Long, thị trấn Tà Lùng buồn bã: Trước đây, gia đình tôi có 1,3 ha đất trồng mía, dưa, ngô, sắn và chăn nuôi thu nhập gần 70 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định. Năm 2007, gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất, tất cả tiền đền bù chỉ được 279 triệu đồng, xây nhà mới xong cũng hết. Vợ chồng tôi nhiều tuổi rồi nên khó kiếm việc làm, hai vợ chồng đi bốc vác thuê, chạy vạy lo ăn từng bữa nuôi gia đình.   Không riêng gì chị Công, ở xóm Hưng Long còn rất nhiều hộ khác lâm vào khó khăn vì mất đất sản xuất. Anh Trần Văn Rọi, trưởng xóm cho biết: Xóm có gần 50% hộ đưa đất sản xuất nông nghiệp vào giải phóng mặt bằng. Khi nhận được tiền đền bù và tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hộ thuộc diện di rời nhà dùng số tiền đó mua đất tái định cư, xây nhà mới. Giá đền bù đất thấp so với giá thị trường nên mua đất ở mới, xây xong nhà thì hết tiền, không có vốn để phát triển kinh tế hay chuyển đổi nghề nghiệp. Đa phần trong số họ không có tay nghề, trình độ và đã quá độ tuổi đào tạo nghề nên không biết học nghề gì để kiếm sống. Gần 10 năm nay, xóm chưa có hộ nào được giải quyết việc làm như cam kết trước khi thu hồi đất. Vì thế, cuộc sống của người dân nơi đây rơi vào cảnh bấp bênh.   

           Mấy năm gần đây, Cửa khẩu Tà Lùng là điểm trung chuyển hàng tạm nhập tái xuất và một số hàng khác, hoạt động vận chuyển, bốc dỡ xếp hàng phát triển, xuất hiện loại hình lao động bốc vác thuê rất sôi động. Có 7 hợp tác xã chuyên bốc dỡ, xếp hàng với gần 1.300 lao động bốc vác, thu nhập 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, việc làm không ổn định, bốc vác thuê phải có sức khỏe, làm không kể giờ giấc ngày hay đêm. Dự báo, tình hình việc làm sẽ còn nhiều khó khăn hơn vì n  hiều công ty đã bắt đầu trang bị máy móc cho bốc xếp hàng, lượng người bốc vác thuê sẽ giảm.   

      Tại Thành phố Cao Bằng  đã giải phóng mặt bằng trên 300 ha đất nông nghiệp của gần 1.000 hộ dân, thời gian tới sẽ tiếp tục giải phóng hơn 800 ha. Chưa ai thống kê được đầy đủ bao nhiêu lao động bị ảnh hưởng và thời gian tới sẽ còn bao nhiêu người rơi vào khó khăn khi mất đất sản xuất. Ông Nông Văn Tâm, Tổ trưởng tổ 23 Khau Roọc, phường Đề Thám, Thành Phố Cao Bằng cho biết: Xóm có 20/44 hộ thuộc diện mất hết đất sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa có ai được làm việc trong nhà máy. Được tiền đền bù, một số hộ xây nhà mới, trông bề ngoài thì có vẻ khang trang, khấm khá, nhưng thực chất đời sống lại rất khó khăn vì không có vốn, không có việc làm ổn định. Trong tình hình khó khăn đó, một số người dân lại rủ nhau lấy tiền đền bù đất, vay mượn thêm để đi mua đất nông nghiệp ở các xã bên, xa tới hành chục km để tiếp tục được làm nông dân.   

   Theo ông Đinh Gia Cảnh, Bí thư Đảng ủy phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng: Cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động người dân đi học nghề để tìm cơ hội việc làm, nhưng không mấy ai tham gia. Phường đang đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện cho dân vay vốn chính sách ưu đãi để giải quyết việc làm, nhưng cũng khó khăn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã phản ánh tình hình lên cấp trên rất nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể nào.     

  Ông Hà Minh Trần, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cao Bằng thừa nhận, giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất là bài toán khó. Trong đó có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Một nguyên nhân quan trọng là do tác động của suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, nhiều dự án xây dựng cầm chừng mãi không đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng chưa thật sự quan tâm giải quyết việc làm cho người mất đất. Người nông dân chưa thay đổi tư duy, nhận thức, chưa đủ năng động để chuyển đổi nghề nghiệp. Mặt khác, đến nay, tỉnh vẫn chưa có chính sách đặc thù cho những người mất đất sản xuất, Sở cũng chưa có chương trình đào tạo nghề nào dành cho người thuộc diện thu hồi hết đất sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh xã hội sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh giải quyết việc làm cho nông dân diện bị thu hồi hết đất sản xuất. Trong đó chú trọng công tác phối hợp với cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương tuyên truyền các hộ nông dân diện thu hồi đất thay đổi nhận thức, tâm lý để chuyển đổi nghề nghiệp. Đồng thời rà soát kỹ, đánh giá lại đối tượng lao động thuộc diện thu hồi đất theo độ tuổi, trình độ văn hóa, tập quán, tâm lý địa phương để tư vấn học nghề, đào tạo nghề phù hợp, ưu tiên bố trí việc làm trong tỉnh. 

Bảo Châu Theo Monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

  Góp ý

Mã bảo mật   
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây